Thụ tinh trong ống nghiệm (In Vitro Fertilization hay IVF) bao gồm một loạt các thủ thuật dùng để điều trị vô sinh và các vấn đề khác về di truyền nhằm hỗ trợ bạn thụ thai. IVF là kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hiệu quả nhất hiện nay, nhưng cơ hội thụ thai nhờ kỹ thuật IVF còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm tuổi tác và nguyên nhân khiến bạn hay bạn tình của bạn vô sinh. Sau đây là một số bước bạn có thể áp dụng để chuẩn bị về tinh thần và thể chất trước khi tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm, nhằm đạt được tỷ lệ thành công cao hơn. Chế độ ăn lành mạnh đầy đủ dinh dưỡng, giàu protein là yếu tố quan trọng để kích thích sản xuất trứng ở phụ nữ, trong khi đó về mặt tinh thần bạn cần chuẩn bị cho các lần tiêm thuốc định kỳ và xét nghiệm kiểm tra khả năng thụ thai.

1. Hiểu về quá trình thụ tinh trong ống nghiệm.

Trước khi tiến hành điều trị bạn nên tìm hiểu đầy đủ về quá trình thực hiện kỹ thuật IVF, để bản thân và bạn tình có sự chuẩn bị nếu bạn dự định tiến hành IVF với sự hỗ trợ của họ. IVF có năm bước chính sau: kích thích rụng trứng, lấy trứng, lấy tinh trùng, thụ tinh và chuyển phôi. Một chu kỳ IVF cần khoảng hai tuần và bạn thường phải thực hiện nhiều hơn một chu kỳ để thụ thai. Quá trình thụ tinh trong ống nghiệm bao gồm ba giai đoạn:[2][3]

  • Giai đoạn 1: Tiêm thuốc tăng sản xuất nang trứng và ngừng rụng trứng. Bạn phải đến gặp bác sĩ nhiều lần để xét nghiệm máu và siêu âm âm đạo.
  • Giai đoạn 2: Sau khi trứng chín sẽ tiến hành một phẫu thuật nhỏ để lấy trứng ra. Chuyên gia phôi học chuẩn bị trứng và đặt chúng vào đĩa Petri, sau đó tiêm một con tinh trùng vào mỗi quả trứng.
  • Giai đoạn 3: Sau khi trứng đã thụ tinh, vỏ trứng tiếp tục phân chia cho đến Ngày 3 hoặc Ngày 5 khi phôi được chuyển vào tử cung. Nếu muốn, bác sĩ có thể kiểm tra phôi tìm các khuyết tật như xơ nang, loạn dưỡng cơ và hội chứng Down. Sau đó bạn phải quyết định số lượng phôi muốn chuyển vào tử cung, và quyết định có cần giữ đông các phôi còn lại không.
  • Nên nhớ bạn không thể dự đoán được khả năng thụ thai thành công qua kỹ thuật IVF, vì mỗi cặp vợ chồng có xác suất thành công khác nhau, chịu ảnh hưởng của tuổi tác và sức khỏe sinh sản. Bác sĩ có thể cho bạn biết sơ về khả năng thụ thai thành công, dựa vào nền tảng sức khỏe và tiền sử bệnh. Tuy nhiên, IVF là kỹ thuật điều trị vô sinh khả thi nhất hiện nay và có tỷ lệ thành công cao.[4] [5]

2. Nhận thức về các rủi ro của IVF.

IVF là thủ thuật tốn nhiều tiền và thời gian thực hiện, đồng thời cũng khiến bạn căng thẳng, đặc biệt khi vợ chồng bạn đang muốn có con nhưng phải trải qua nhiều chu kỳ IVF để đạt được kết quả. Căng thẳng và bồn chồn có thể trở thành những rủi ro lớn trong quá trình tiến hành kỹ thuật IVF. Các rủi ro về mặt y khoa khi trải qua kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm là:[6]

  • Đa thai: IVF tăng nguy cơ mang đa thai nếu có nhiều hơn một phôi được cấy vào tử cung, và nếu mang đa thai thì khả năng bạn sinh non cao hơn.
  • Sinh non và trẻ nhẹ cân.
  • Hội chứng quá kích buồng trứng: Hội chứng này xảy ra khi buồng trứng bị sưng và đau, nguyên nhân do bạn sử dụng thuốc tiêm kích thích buồng trứng. Có một số triệu chứng thường gặp như đau bụng, phù, buồn nôn, nôn và tiêu chảy. Nếu thụ thai thành công bạn sẽ thấy các triệu chứng này trong nhiều tuần.
  • Sảy thai: Mặc dù tỷ lệ sảy thai ở phụ nữ thụ tinh bằng ống nghiệm cũng tương tự với phụ nữ thụ thai tự nhiên, nhưng tỷ lệ này sẽ tăng lên cùng với tuổi tác của người mẹ. Sử dụng phôi đông lạnh trong quá trình thực hiện IVF có rủi ro sảy thai hơi cao hơn.
  • Biến chứng xảy ra trong khi lấy trứng: Bác sĩ phải dùng kim hút trứng ra và có thể khiến bạn chảy máu, nhiễm trùng hoặc làm tổn thương trực tràng, bàng quang hay mạch máu.
  • Mang thai ngoài tử cung: Thai ngoài tử cung là khi phôi thai làm tổ ngoài tử cung, thường ở trong ống dẫn trứng. Có khoảng 2-5% phụ nữ trải qua thụ tinh trong ống nghiệm bị mang thai ngoài tử cung.
  • Khiếm khuyết ở thai nhi: có bằng chứng cho thấy tỷ lệ khiếm khuyết ở thai nhi trong các ca thụ thai bằng IVF hơi cao hơn thụ thai tự nhiên, nhưng người ta vẫn không rõ cơ chế xảy ra thế nào.
3. Thảo luận về nghĩa vụ tài chính khi thực hiện IVF.
IVF là một trong những cách điều trị vô sinh tốn kém nhất hiện nay. Chi phí thực hiện một chu kỳ IVF tại Việt Nam thường từ 50-60 triệu đồng. Đa số các công ty bảo hiểm sẽ chịu chi phí xét nghiệm chẩn đoán như siêu âm hay chụp x-quang tử cung vòi trứng, nhưng đa số không chịu chí phí IVF. Chi phí còn phụ thuộc vào nhu cầu cá nhân của bạn, cũng như phí tiêu chuẩn tại từng bệnh viện. Các hạng mục chi phí khi điều trị vô sinh bằng IVF bao gồm:
  1. Thuốc kích thích buồng trứnG
  2. Xét nghiệm khả năng thụ thai ban đầu
  3. Siêu âm và theo dõi
  4. Xét nghiệm máu
  5. Bạn có thể cần một số phương pháp điều trị bổ sung như tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI) tốn khoảng 10 triệu đồng, nghĩa là bác sĩ tiêm trực tiếp một tinh trùng vào trứng, hoặc kiểm tra tiền chuyển phôi (PGD) là kỹ thuật phân tích di truyền của phôi và tốn khoảng 30 triệu đồng. Nếu quyết định giữ đông phôi bạn có thể phải chi thêm vài triệu đồng cho lần giữ đông ban đầu.
  6. Bác sĩ sẽ cho bạn biết chi phí tổng quát của phương pháp điều trị vô sinh bằng IVF, và cung cấp thông tin về các nguồn tài trợ thay thế nếu bạn không có đủ tiền. Tại Mỹ một số phòng khám có chương trình hoàn tiền IVF, nghĩa là bạn phải trả trước một khoản phí (20.000-30.000 đô-la) và phòng khám sẽ trả lại một phần tiền nếu bạn không thể thụ thai sau 3-4 chu kỳ. Tuy nhiên, bạn phải làm rõ với phòng khám về thế nào là kết quả tốt, vì kết quả mang thai sau khi rời phòng khám không chắc bạn có thể sinh con thành công sau đó. Có khả năng bạn bị sảy thai hoặc có biến chứng, và khi đó bạn mất cơ hội được hoàn tiền.
  7. Một số công ty bảo hiểm cũng chịu một phần chi phí điều trị bằng IVF hoặc các thủ thuật chẩn đoán khả năng thụ thai. Bạn nên trao đổi với họ về chính sách đối với chi phí điều trị vô sinh bằng IVF. Có thể bạn phải chuyển sang phòng khám khác để được công ty bảo hiểm của mình chấp nhận.